Năm 2002,ậnđộngviênđóiăkubet chúng tôi tham gia Cúp Thế giới Karate tại Dresden, Đức - cũng là lần đầu tiên thầy trò được thi đấu tại châu Âu. Ngân sách lúc bấy giờ rất hạn hẹp, mỗi người được 10 USD/ngày để chi tiêu. Nhưng giá cả ở Đức rất đắt, thầy trò "giật gấu vá vai", di chuyển lúc bằng taxi, khi bằng bus; ăn uống chủ yếu bánh mỳ hoặc "mỳ tôm siêu phẩm". Việt kiều tại Dresden biết chuyện đã chung tay, tổ chức đưa đón, thổi xôi, làm thịt gà tiếp tế cho chúng tôi.
Vì thế, tôi không lấy làm lạ trước thông tin về những bữa cơm đạm bạc, sơ sài, nhưng tôi rất buồn, vì sau 20 năm, các em vẫn thiếu thốn và khó khăn, như thế hệ tôi ngày trước.
Thứ hiện hữu trên mâm cơm của các em không chỉ là ngân sách hạn chế, hay nghi vấn tiền ăn bị bớt xén. Tôi muốn đề cập đến vấn đề gốc rễ hơn, về sự bất hợp lý trong cách quản lý tổ chức bữa ăn cho vận động viên.
Tư duy của chúng ta vẫn là nuôi ăn chứ không phải chăm sóc dinh dưỡng. Nuôi ăn tức là gạo và thịt, nấu thành mâm cơm chung, ai cũng như ai, ăn cho đủ no. Còn chăm sóc dinh dưỡng đòi hỏi một chế độ ăn khoa học, nghiêm ngặt, có tính cá nhân hóa cao, phù hợp với thể trạng, đòi hỏi riêng của từng vận động viên, từng môn thi đấu, trong từng giai đoạn khác nhau: trước hay sau, xa hay sát đợt thi đấu. Một nghiên cứu của Mỹ về Dinh dưỡng cho vận động viên bóng bàn chỉ ra: trung bình cứ mỗi một kg trọng lượng cơ thể, vận động viên bóng bàn cần khoảng 7-8 gr carbohydrate mỗi ngày. Chẳng hạn, một người nặng 60 kg sẽ cần khoảng 420-480 gr carbohydrate mỗi ngày. Với những người 70 kg sẽ cần khoảng 490-560 gr.
Tính cá nhân hóa về chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong thể thao. Vì thế, khi vận động viên thi đấu hoặc tập luyện tại các trại tập trung, họ thường được cung cấp thức ăn theo kiểu tự chọn - hình thức buffet. Năm 2008, tôi có dịp sang Trung tâm thể thao Quảng Châu và ăn trưa với các vận động viên của họ. Dù chỉ là tuyển thành phố, họ tổ chức bữa buffet rất khoa học. Có đến cả trăm món ăn đa dạng, sạch, đi kèm với bảng hướng dẫn calories chi tiết bên cạnh, giúp các vận động viên tự cân nhắc khẩu phần phù hợp với đòi hỏi riêng của cơ thể.
Với vận động viên trẻ, tôi cho rằng, đầu tư vào dinh dưỡng còn quan trọng hơn cả trả công hay tập luyện, vì đó là sự đầu tư lâu dài, có định hướng. Cơ thể người trẻ chưa hoàn thiện, dinh dưỡng sẽ quyết định họ có thể phát triển nữa hay không.
Chúng ta vẫn còn tổ chức bếp ăn tập thể thay cho bữa ăn buffet, cho ăn cốt để no thay vì chăm sóc dinh dưỡng, thì rất khó nói đến việc đảm bảo, hay cải thiện thể trạng của các vận động viên.
Ngoài việc ăn mâm chung, bếp tập thể, thời chúng tôi, vận động viên còn gặp cảnh no dồn đói góp. Ban huấn luyện thường lập kế hoạch chi tiêu từ đầu năm, nhưng do còn phải gửi lên các cấp phê duyệt, đến cuối năm, hoặc sát đợt thi đấu, tiền mới về. Ở các nước, vận động viên được yêu cầu phải ăn đúng, ăn đủ khẩu phần do huấn luyện viên hoặc chuyên gia dinh dưỡng đề ra, và bị cấm gọi, mua thêm đồ ăn bên ngoài. Còn chúng tôi (và nhiều vận động viên bây giờ cũng thế) thì đói, nên có gì ăn nấy. Có những đợt, sát thời gian thi đấu, các loại thực phẩm chức năng mới được cấp phát, chúng tôi phải "uống vội". No dồn đói góp, ăn uống phi khoa học là vì vậy.
Vấn đề bất cập thứ hai là cách thức đầu tư dàn trải bằng nguồn ngân sách có hạn. Điều này sẽ phần nào lý giải những tranh luận liên quan đến kinh phí eo hẹp cho bữa ăn của các vận động viên.
Theo thông tư 86 của Bộ Tài chính, vận động viên đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.
Vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympics được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày, trong thời gian không quá 90 ngày.
Với vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympics trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympics được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Nếu muốn hướng tới thể thao đỉnh cao, không thể áp dụng hình thức đầu tư dàn trải. Tôi cho rằng, nhà quản lý thể thao phải có tư duy của một nhà đầu tư, dùng ngân sách như dùng một quỹ đầu tư, sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Việc ăn uống của vận động viên, vì thế phải hướng đến mục tiêu góp phần đạt thành tích tốt nhất, chứ không phải tiêu cho hết tiền.
Sử dụng nguồn ngân sách hạn hẹp cho một quy mô vận động viên rất đông, sẽ khó để đầu tư tốt hơn cho những vận động viên thành tích cao. Cũng với ngân sách ấy, giới hạn số lượng được hưởng thì mỗi vận động viên có thể được hưởng mức kinh phí cao hơn, giúp cải thiện điều kiện dinh dưỡng, chăm sóc.
Khác với thể thao phong trào, thể thao đỉnh cao không thể cào bằng.
Chỉ khi thay đổi tư duy quản lý, hướng tới chiến lược dài hạn về thể thao thành tích cao, đề cao tính hiệu quả của việc sử dụng ngân sách, các huấn luyện viên mới coi chuyện ăn uống khoa học, đủ lượng, đủ chất của vận động viên cũng chính là trách nhiệm và lợi ích của mình.
Lúc đó, vận động viên mới hết đói, mới có cơ hội phát triển thể chất, để phá vỡ các giới hạn của bản thân.
Bùi Việt Bằng